TƯ VẤN HỖ TRỢ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Diễn án hành chính

Trong quá trình đào tạo luật sư, học viên được trãi qua các buổi diễn án. Trong đó môn nghiệp vụ luật sư trọng vụ án hành chính là một môn có phần diễn án. Trong phần học về hành chính sẽ tập trung vào quyết định hành chính, quyết định xử phạt hành chính, hành vi hành chính để cho học viên thực tập. 
diễn án hành chính lớp luật sư
Diễn án hành chính

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một bài trọn vẹn trong số đó. Tài liệu này chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu cá nhân, tổ chức nào trính dẫn lại thì xin vui lòng ghi rõ nguồn từ trang web này.

NỘI DUNG


I/.TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN
Ngày 23/12/2013, Đoàn kiểm tra thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh G.L đã đến kiểm tra nhà trọ bình dân Hoàng Lan của bà Nguyễn Thị Tuyết tại địa chỉ: Tổ 9, phường Đông Lân, thành phố P. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện phòng số 11 có ông Nguyễn Văn Thường và bà Nguyễn Thị Lành đang quan hệ vợ chồng (quan hệ tình dục); phòng số 9 có ông Phan Văn và bà Nguyễn Thị Thùy không có giấy kết hôn đang ở chung phòng xe tivi.
Đoàn kiểm tra đã kết luận: Chủ cơ sở nhà trọ Hoàng Lan đã thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hành vi vi phạm như trên. Đoàn kiểm tra cho rằng các hành vi trên đã vi phạm điểm…..khoản….. điều …..Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động văn hóa thông tin.
Ngày 10/3/2014 Chánh Thanh tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 23/QĐ-XP  xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Do không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính, bà Tuyết đã có đơn khiếu nại lên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên đơn khiếu nại này đã bị Chánh thanh tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bác đơn.
Vì vậy ngày 02/05/2014, bà Nguyễn Thị Tuyết là đơn khởi kiện quyết định xử phạt hành chính” gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh G.L.
II/ KẾ HOẠCH HỎI.
Mục đích hỏi để là sáng tỏ các sự việc, đồng thời chứng minh yêu cầu trong đơn khởi kiện của bà Tuyết là có căn cứ và hợp pháp.
1. Hỏi Người bị kiện (ông Trần Ngọc Minh ủy quyền cho ông Dương Văn Thành, chức vụ Phó chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
1.1 Vị đại diện Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi là ông Thành) hãy cho biết ngày tiến hành kiểm tra nhà trọ của bà Tuyết là ngày nào ?
1.2 Tại thời điểm kiểm tra, thì trong nhà trọ có những ai ?
1.3 Những người trong nhà trọ đang làm gì ?
1.4 Căn cứ vào đâu để đoàn kiểm tra kết luận những người trong nhà trọ đang mua bán dâm?
1.5 Quyết định số 23 không ghi ngày có hiệu lực đúng không ?
1.6 Ông Thành hãy cho biết những căn cứ để xử phạt hành chính đối với bà Tuyết ? Đoàn kiểm tra đã áp dụng những văn bản nào ?
1.7 Các văn bản áp dụng đó có hiệu lực như thế nào ?
1.8. Ông cho rằng quyết định số 23 có hiệu lực từ khi nào ? bà Tuyết phải chấp hành khi nào ?
1.9 Tại sao trong biên bản lại không ghi rõ điều khoản xử phạt ?
1.10 Khi lập Biên bản kiểm tra nhà trọ có những ai là người làm chứng ?
1.11 Ông cho biết từ ngày lập biên bản đến ngày ra quyết định xử phạt là bao nhiêu ngày ?
2. Hỏi người làm chứng (gồm: ông Nguyễn Văn Thường; ông Phan Văn; bà Nguyễn Thị Lành; bà Nguyễn Thị Thùy Trang).
2.1 Ông Thường cho biết, mối quan hệ của ông với bà Lành là gì ?
2.2 Ông Thường có thường xuyên thuê phòng ở nhà trọ của bà Tuyết không ? Khi thuê phòng ông có xuất trình giấy từ gì để bà Tuyết vào sổ theo dõi không ?
2.2 Ông Phan Văn cho biết, khi đoàn kiểm tra đến thì ông đang ở phòng số mấy ? Lúc đó ông đang làm gì ?
2.3 Ông Phan Văn có biết bà Nguyễn Thị Thùy Trang là ai không ?
2.4 Ông Phan Văn có biết bà Nguyễn Thị Thùy Trang đã ký tên vào người làm chứng không ?
2.5 Ông Phan Văn hãy xác định bà Nguyễn Thị Thùy và bà Nguyễn Thị Thùy Trang có phải là hai người khác nhau không ?
3. Hỏi người khởi kiện (bà Nguyễn Thị Tuyết)
3.1 Khi đoàn kiểm tra đến nhà trọ bình dân, có đọc quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra không ?
3.2 Khi ban hành quyết định số 23, bà Tuyết có bị thiệt hại gì không ? Nếu có thì là những gì ?
3.3 Bà Tuyết cho biết bà có giấy cam kết an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện đúng, không ?
3.4 Khi những người đến thuê phòng trọ bà có biết được mục đích của họ hay không ?
3.5 Bà Tuyết cho biết khi muốn thuê phòng trọ thì những người thuê phải làm các thủ tục gì ? Xuất trình loại giấy tờ nào ?
3.6 Bà Tuyết cho biết những người đến thuê đều được đăng ký và ghi sổ đúng không ?

III/ LUẬN CỨ BẢO VỆ .

Phần mở đầu:
Kính thưa HĐXX, thưa vị đại diện VKS, thưa các vị luật sư đồng nghiệp cùng toàn thể quý vị đang có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay.
Tôi là luật sư D.L – Thuộc văn phòng Luật sư Hoàng Ân thuộc Đoàn Luật sư thành phố G.L. Tôi tham gia phiên toà hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Tuyết trong vụ án “khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm  hành chính trong hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch” được Toà án nhân dân tỉnh G.L đưa ra xét xử ngày hôm nay.

Phần nội dung:
Căn cứ hồ sơ, tài liệu trong vụ án đồng thời lắng nghe bên trình bày. tôi xin được đưa ra quan điểm để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Tuyết như sau:
Thứ nhất: Đoàn kiểm tra đã lập biên bản làm số 11/BB-VPHC ngày 23/12/2013 Biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Trong biên bản này đã căn cứ vào Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động văn hóa – thông tin. Đây là một văn bản chưa có hiệu lực. Cụ thể Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Do vậy việc Đoàn kiểm tra áp dụng căn cứ pháp luật này là hoàn toàn sai.

Thứ hai: Thể thức và nội dung của biên bản: Trong biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã không ghi rõ điều khoản áp dụng để xử phạt. Đồng thời phần người làm chứng không ghi nhưng đến cuối văn bản vẫn cho những người làm chứng ký tên. Đối với phần thông tin của người bị kiểm tra là bà Nguyễn Thị Tuyết cũng không ghi cụ thể. Do đó không thể lấy biên bản này để làm căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Tuyết.
Căn cứ theo khoản 2, điều 58 luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cụ thể như sau: “Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình”.
Như vậy có thể khẳng định việc lập biên bản của đoàn kiểm tra đã vi phạm nghiêm trọng về thể thức và nội dung được quy định trong luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Do đó không thể lấy một văn bản vi phạm để làm căn cứ ra quyết định xử phạt hành chính.

Thứ ba: Đối với Quyết định số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch”. Quyết định này đã căn cứ vào Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa – thông tin. Việc áp dụng Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 là không đúng đối tượng và phạm vị điều chỉnh của văn bản. Bởi lẽ Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Việc đoàn kiểm tra nêu sai tên văn bản là một vi phạm nghiêm trong việc ban hành quyết định.
Như vậy việc đưa sai tên Nghị định cũng đã vi phạm nghiêm trọng trong trình tự thủ tục ban hành quyết định xử phạt. Bên cạnh đó còn làm sai lệch nội dung xử phạt.
Đồng thời như đã nói ở trên, việc căn cứ vào biên bản lập lúc 21 giờ 00 phút ngày 21 tháng 12 năm 2013 tại số 241 đường Lê Lai, thành phố P, G.L là một vi phạm nghiêm trọng. Bởi lẽ trong hồ sơ vụ án không hề có biên bản này, mà chỉ có biên bản được lập ngày 23/12/2013 tại nhà nghỉ bình dân do bà Tuyết là chủ. Trong quyết định đã căn cứ vào một biên bản không có thật để xử phạt bà Tuyết là một việc làm hoàn toàn trái với luật xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể căn cứ theo 58 luật xử lý vi phạm hành chính thì phải lập biên bản về hành vi hành chính. Căn cứ theo điều 59 luật xử lý vi phạm hành chính thì trước khi ra quyết định phải xác minh lại sự việc.

Thứ tư: Trong Quyết định xử phạt hành chính không ghi rõ ngày có hiệu lực của quyết định. Cụ thể tại điều 3 của quyết định xử phạt thì ngày tháng được bỏ trống. Do đó đã vi phạm  điều 68 luật xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau”
“1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định;
c) Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có);
d) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
đ) Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
e) Hành vi vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
g) Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;
h) Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
i) Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
k) Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt;
l) Họ tên, chữ ký của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
m) Trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.
2. Thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
3. Trường hợp ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính chung đối với nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hoặc nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì nội dung hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức phải xác định cụ thể, rõ ràng”.

Thứ năm: Kể từ ngày lập biên bản đến ngày ra quyết định xử phạt hành chính là đã quá thời hạn. Cụ thể ngày lập biên bản là ngày 23/12/2013 thì đến ngày 10/03/2014 mới ra quyết định xử phạt. Như vậy quyết định đã ra chậm trễ 77 ngày.
Căn cứ theo điều 66 luật xử lý vi phạm hành chính thì:
“1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.”
Như vậy có thể thấy việc ra quyết định số 23 là hoàn toàn trái với luật xử lý vi phạm hành chính cả về mặt thể thức lẫn mặt nội dung. Kể cả về mạt trình tự thủ tục cũng có vi phạm nghiêm trọng.
Thứ sáu: Xét về bản chất sự việc thì, khi đoàn kiển tra đến các phòng số 11, phòng số 9 thì thấy tại phòng số 11 có ông Nguyễn Văn Thường và bà Nguyễn Thị Lành đang quan hệ vợ chồng (quan hệ tình dục). Tuy nhiên đoàn kiểm tra không có đủ căn cứ để chứng minh đây là hành vi mua bán dâm. Tại các văn bản tường trình thì ông Thường và bà Lành khai rằng là vợ chồng. Do đó không có căn cứ cho rằng đây là hành vi mua bán dâm.
Từ đó suy ra không thể kết luận bà Tuyết có hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm.
Đồng thời khi ông Thường và bà Lành đến thuê phòng trọ thì Bà Tuyết cũng không thể biết trước họ thuê với mục đích gì ?

Như vậy: Từ những căn cứ trên, tôi đề nghị tòa án nhân dân tỉnh G.L tuyên hủy Quyết định số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” đối với bà Nguyễn Thị Tuyết. Đồng thời với việc ra quyết định số 23 trái pháp luật đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bà Tuyết. Cụ thể hậu quả thiệt hại về uy tín làm cho bà Tuyết mất đi một lượng khách hàng.
Do đó, đề nghị  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bồ thường một khoản chi phí là 50.000.000 đồng, đây là số tiền thiệt hại thực tế đối với bà Tuyết. Đồng Thời yêu cầu đại diện Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xin lỗi công khai.

Trân trọng cảm ơn quý tòa đã lắng nghe ý kiến của tôi !

1 nhận xét:

  1. Cũng hồ sơ này.nhưng kế hoạch hỏi và bản luận cứ thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị khởi kiện

    Trả lờiXóa

Được tạo bởi Blogger.