TƯ VẤN HỖ TRỢ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Luật sư diễn án hành chính hồ sơ số 10

Dear ! các bạn sinh viên, học viên ngành Luật, hôm nay chúng tôi xin gửi đến các bạn hồ sơ danh cho lớp đào tào Luật sư. Hồ sơ này dùng để diễn án hành chính. Cụ thể là khởi kiện quyết định hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hồ sơ mang mã số LS.HC 10 / B7-DA.
luật sư diễn án hành chính
Diễn án lớp luật sư

Sau đây chúng tôi xin trình bày lại toàn văn một bài diễn án hoàn chỉnh, để giúp các bạn tham khảo.
* Lưu ý: nếu cá nhân, tổ chức nào trích dẫn, xin vui lòng ghi rõ nguồn từ trang web của chúng tôi. Xin cảm ơn.



NỘI DUNG


I/.TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN
Ngày 23/05/2016, bà Nguyễn Thị Ngợi, sinh ngày 20/10/1935 (thường trú tại: Thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) nộp đơn khởi kiện Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Phong và bà Nguyễn Thị Nghiêm.
Trước đó vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngợi và ông Nguyễn Hữu Đặt có thửa đất số 195 và 192, số tờ 07 – Xứ Đồng, Thanh Liễu. Diện tích 785 m² đất thổ và 150 m² đất ao. Gia đình bà Ngợi, ông Đặt có 05 người con, nhưng ông bà chưa giao quyền sử dụng đất cho ai.
05 người con gồm:
1. Nguyễn Thị Đón, sinh năm 1963
2. Nguyễn Hữu Phong, sinh năm 1966
3. Nguyễn Thị Phú, sinh năm 1968
4. Nguyễn Thị Thao, sinh năm 1973
5. Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1976
Đều thường trú tại: thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Lý do khởi kiện là khi xã Tân Hưng còn thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Lúc này ông Nguyễn Hữu Phong và vợ là Nguyễn Thị Nghiệm đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nộp cho Ủy ban nhân dân xã Gia Lộc và ngày 01/12/2002. Từ đó, Ủy ban nhân dân xã Tân Hưng đã lập danh sách gửi lên Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc. Căn cứ vào danh sách gửi lên từ xã Tân Hưng, thì Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 734508, tờ bản đồ số 3 cho vợ chồng ông Nguyễn Hữu Phong - Nguyễn Thị Nghiêm.
Đến ngày 15/01/2016 bà Nguyễn Thị Thao đi lao động nước ngoài về, có đề nghị bà Ngợ đồng ý cấp bìa đỏ cho các con. Đến lúc đó mới biết ông Nguyễn Hữu Phong và vợ Nguyễn Thị Nghiệm đã tự động làm giấy và đứng tên trong “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” rồi.
Bà Ngợi cho rằng việc cấp bìa như vậy là sai. Vì đất này là nguồn gốc do bà Ngợi và ông Đặt (chồng bà) tạo dựng được. Khi ông Đặt chết (22/02/2001) không để lại di chúc cho ai.
Do vậy bà nộp đơn lên Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương đề nghị giải quyết. Vì lúc này xã Tân Hưng đã sát nhập về thành phố Hải Dương, không còn thuộc huyện Gia Lộc nữa.
II/ KẾ HOẠCH HỎI.
Mục đích hỏi để là sáng tỏ các sự việc, đồng thời chứng minh yêu cầu trong đơn khởi kiện của bà Ngợi là có căn cứ và hợp pháp
1. Hỏi Người bị kiện (Đại diện ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương)
1.1 Vị đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương (sau đây gọi là ông/bà) hãy cho biết những căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ?
1.2 Trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Hữu Phong và bà Nguyễn Thị Nghiệm, đã áp dụng văn bản nào ?
1.3 Ông Phong và bà Nghiêm nộp đơn xin cấp đất có kèm theo giấy tờ gì nữa không ? Nếu có, tại sao không thấy trong hồ sơ vụ án ?
1.4 Ông/bà hãy cho biết quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
1.5 Trong Luật đất đai 2003 có quy định rõ về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vậy ông/bà có biết điều này hay không ?
1.6 Tại trang số 8 trong hồ sơ vụ án có ghi thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phong, bà Nghiêm là ngày 10/10/2004 có đúng không? Lúc này luật đất đai 2003 đã có hiệu lực rồi đúng không ?
1.7 Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tiến hành đo vẽ hiện trạng thửa đất không ? Có xác định vị trí đất không ?
1.8 Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Phong, bà Nghiệm là loại đất gì ?
1.9 Ông Hồ Đăng Dũng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương trình bày quan điểm về vụ án này trong văn bản ngày 22/8/2016 (trang 42, 43 trong hồ sơ) đã khẳng định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai? Vậy tại sao không hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phong, bà Nghiêm ?
2. Hỏi người có quyền và nghĩa vụ liên quan (Hỏi ông Nguyễn Hữu Phong).
2.1 Ông Phong cho biết, mối quan hệ của ông với bà Ngợi là gì ?
2.2 Ông Phong cho biết, ông nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày tháng năm nào ?
2.3 Ông Phong cho biết ông được cấp diện tích đất bao nhiêu ? thuộc tờ bản đồ số mấy, thửa số mấy ?
2.4 Ông Phong cho biết, ông có nhận giấy ủy quyền hay giấy cho tặng từ cha mẹ đẻ (ông Đặt, bà Ngợi) không ?
2.5 Ông Phong cho biết, khi ông Đặt (cha đẻ của ông) chết có để lại di chúc gì cho ông không ? nếu có tại sao không có trong hồ sơ vụ án ?
2.6 Tại sao trong đơn xin cấp đất ngày 01/02/2002 đứng tên ông mà ông lại không ký tên hay điểm chỉ, lại để cho một mình vợ ông ký tên.
3. Hỏi người khởi kiện (bà Nguyễn Thị Ngợi ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Nhàn)
3.1 Bà Nhàn hãy cho biết nguồn gốc thửa đất số 195, 192 tờ bản đồ số 7 và thửa đất số 334 tờ bản đồ số 3 ?
3.2 Người khởi kiện cho biết, việc phát hiện ra ông Phong và bà Nghiêm đứng tên trên sổ đất từ khi nào ?
3.3 Việc ông Phong và vợ là bà Nghiêm nộp đơn làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được sự đồng ý của bà Ngợi hay không ?
3.4 Khi Ủy ban nhân dân xã Tân Hưng cử cán bộ xuống đo vẽ bản đồ đất có thông báo cho bà Ngợi biết về việc sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Phong hay không ?
3.5 Tại phiên tòa hôm nay, ngoài yêu cầu về hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Phong, bà Nghiêm ra thì người khởi kiện có còn yêu cầu gì khác nữa không ?
III/ LUẬN CỨ BẢO VỆ .

Phần mở đầu:
Kính thưa HĐXX, thưa vị đại diện VKS, thưa các vị luật sư đồng nghiệp cùng toàn thể quý vị đang có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay.
Tôi là luật sư N.T.H – Thuộc văn phòng Luật sư SG thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Dương. Tôi tham gia phiên toà hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Ngợi trong vụ án hành chính yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 734508, tờ bản đồ số 3 cấp cho ông Nguyễn Hữu Phong và bà Nguyễn Thị Nghiêm được Toà án nhân dân thành phố Hải Dương đưa ra xét xử ngày hôm nay.

Phần nội dung:
Căn cứ hồ sơ, tài liệu trong vụ án đồng thời lắng nghe bên trình bày. tôi xin được đưa ra quan điểm để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Ngợi như sau:
Thứ nhất: Về nguồn gốc đất, Bà Nguyễn Thị Ngợi và ông Nguyễn Hữu Đặt là hai vợ chồng chung sống với nhau và được nhà nước cấp cho thửa đất số 195 và 192, tờ bản đồ số 7. Vị Trí đất nằm ở Xứ Đồng – Thanh Liễu, xã Tân Hưng. Diện tích 785 m² đất thổ và 150 m² đất ao. Việc này đã được thể hiện rõ trong các biên bản lấy lời khai của Bà Ngợ và các con của bà Ngợi. Đặc biệt ông Phong cũng thừa nhận việc nay. Đồng thời căn cứ vào “Biên bản đối thoại lúc 9 giờ 30 phút ngày 23 tháng 8 năm 2016 thì các bên đã xác định rõ về nguồn gốc đất.
Thứ hai: Về điều kiện để được cấp sổ là không đúng, vì ông Nguyễn Hữu Phong và vợ là Nguyễn Thị Nghiệm chỉ nộp đơn đề nghị cấp sổ, mà không có giấy thừa kế hoặc tặng cho của bà Ngợi. Cụ thể, căn cứ theo điều 50 luật đất đai 2003 thì:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
5. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
6. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.
7. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
8. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có các công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
b) Được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng và không có tranh chấp.
Như vậy ông Phong và bà Nghiệm không đáp ứng được các điều kiện nêu tại khoản 1 điều 50 luật đất đai 2003, do đó không đủ điều kiện để được cấp giấy. Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc thời điểm đó cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy là sai, hoàn toàn trái với luật đất đai 2003.
Thứ ba: Trình tự thủ tục cấp sổ không đúng so với quy định của  luật đất đai 2003. Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phong và Bà Nghiệm thì Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc đã làm trái quy định của luật đất đai 2003.
Cụ thể như sau: “Điều 123. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất
1. Việc nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
b) Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này (nếu có), văn bản uỷ quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có).
2. Trong thời hạn không quá năm mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định mức nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; thông báo cho người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính; trường hợp không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ và thông báo lý do cho người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất biết.
3. Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nơi đã nộp hồ sơ để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Việc cấp giấy này cũng hoàn toàn trái với quy định tại điều 126 luật đất đai 2003.
Cụ thể như sau:
“Điều 126. Trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
1. Việc nộp hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nộp tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
b) Hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước.
2. Trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp các bên chuyển đổi phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thông báo cho các bên chuyển đổi thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên chuyển đổi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ”.

V trình tự thủ tục cấp GCN QSDĐ, theo quy định tại Chương 3, Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 thì thủ tục cấp GCN QSDĐ bao gồm các bước sau:
+ Bước 1: Người sử dụng đất có trách nhiệm nộp hồ sơ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Hồ sơ Hồ sơ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất do người sử dụng đất lập gồm:
a) Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất được Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng thực bao gồm một trong những giấy tờ quy định tại Khoản 1, Điều 100, Luật đất đai 2013.
c) Biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất sử dụng.
Trong khi đó, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Phong và bà Nghiệm chỉ có Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất và Thông báo về việc hộ gia đình tự kiểm tra thửa đất đang sử dụng để lập hồ sơ cấp GCN QSDĐ mà không có thêm tài liệu nào khác.
+ Bước 2: Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm tra và xác nhận vào đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất những vấn đề như: Hiện trạng sử dụng đất: Tên người sử dụng đất, vị trí, diện tích, loại đất và ranh giới sử dụng đất; Nguồn gốc sử dụng đất; Tình trạng tranh chấp, khiếu nại về đất đai; Quy hoạch sử dụng đất;
Ông Phong không cung cấp đủ giấy tờ hợp lệ trong hồ sơ nhưng Uỷ ban nhân dân xã Tân Hưng vẫn thực hiện việc xét hồ sơ, không yêu cầu ông Phong bổ sung các giấy tờ còn thiếu theo quy định pháp luật.
+ Bước 3: Kết thúc việc xét đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, Uỷ ban nhân dân cấp xã công bố công khai kết quả xét đơn tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và các thôn, ấp, bản, tổ dân phố để mọi người dân được tham gia ý kiến; thời gian công khai là 15 ngày.
Tại Biên bản xác minh ngày 29/06/2018 (BL 37), ông Đỗ Đình Huân (cán bộ địa chính xã) có khai rằng “Sau khi tổng hợp danh sách công khai để cấp giấy chứng nhận QSDĐ, gia đình bà Ngợi không có ý kiến gì”.
Tại BL 01, 32 bà Ngợi khẳng định rằng bà không hề biết ông Phong, bà Nghiệm sang tên trong GCN QSDĐ từ bao giờ. Chỉ đến khi bà Thao - con gái bà Ngợi đi lao động từ nước ngoài về, bà Ngợi định làm giấy tờ cho  bà Thao thì mới biết thửa đất số 334 này do ông Phong, bà Nghiệm đứng tên.
Như vậy, từ những vị phạm trình tự thủ tục trên, tôi có thể khẳng định rằng UBND xã Tân Hưng không niêm yết công khai kết quả xét đơn cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Phong tại trụ sở UBND xã Tân Hưng.
Từ những nhận định trên, tôi khẳng định ông Phong và bà Nghiêm tự ý làm hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ là trái quy định pháp luật.
Thứ tư: Trong hồ sơ này Nội dung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đầy đủ thông tin. Cụ thể, chỉ có trang bìa của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các trang bên trong không có. Vì vậy không thể hiện được thông tin về thửa đất. Trong hồ sơ vụ án cũng không có quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phong và bà Nghiêm.
Thứ năm: Tại Biên bản đối thoại lúc 09 giờ 30 phút ngày 23 tháng 8 năm 2016 , chủ tọa công bố ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương, trong đó có đoạn khẳng định bà Ngợi không hề có giấy tờ nào thể hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho ông Phong và bà Nghiệm.  Đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương cũng đồng ý với yêu cầu của người khởi kiện (bà Nguyễn Thị Ngợi) là hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Hữu Phong và bà Nguyễn Thị Nghiệm.
Trong các bản khai của ông Phong, thì ông trình bày rằng ông là con trai trong gia đình bà Ngợi nên ông có quyền hưởng phần đất do cha mẹ để lại. Tuy nhiên đây là hành vi hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Trong luật dân sự cũng như luật đất đai không hè quy định việc hưởng tài sản của cha mẹ có sự phân biệt giữa con trai và con gái. Theo quy định về thừa kế của luật dân sự thì tất cả các con đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.
Thứ sáu: Tại văn bản ngày 22/8/2016 trình bày quan điểm của Ủy ban nhân dân thành phố trong việc cung cấp, tiếp cận, kiểm tra chứng cứ và đối thoại vụ án hành chính, do ông Trần Hồ Đăng, chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Dương ký đã khẳng định hồ sơ cấp GCN QSDĐ cho ông Phong và à Nghiệm là chưa đầy đủ theo quy định.
Đồng thời cũng tại văn bản này cũng nêu rằng “Nếu tòa án nhân dân thành phố Hải Dương ra bản án về việc yêu cầu thu hồi GCN QSDĐ đã cấp cho ông Phong và bà Nghiêm thì UBND thành phố Hải Dương có thể căn cứ và điều 106 Luật đất đai năm 2003 và điều 87, NĐ 43/2014-CP để thực hiện thủ tục thu hồi GCN QSDĐ đã cấp”.

Như vậy: Từ những vấn đề nói trên, có thể thấy việc UBND huyện Gia Lộc trước đây đã cấp GCN QSDĐ cho ông Phong và bà Nghiệm là không có căn cứ và vi phạm trình tự thủ tục cấp GCN QSDĐ nghiêm trọng.
Việc này đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị Ngợi, do đó kính đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương xem xét và tuyên bố thu hồi và hủy GCN QSDĐ số AK 734508, tờ bản đồ số 3 đã cấp cho vợ chồng ông Nguyễn Hữu Phong - Nguyễn Thị Nghiêm.
Trân trọng cảm ơn quý tòa đã lắng nghe ý kiến của tôi !

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.