Những đổi mới nổi bật của Luật doanh nghiệp 2014
Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật
Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực kể từ 01/7/2015; So với Luật Doanh nghiệp
năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có 10 chương, 213 điều, tăng 41 điều;
Chương IV quy định về Doanh nghiệp nhà nước với 22 điều là chương mới hoàn
toàn; Điều 10 quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
cũng mới hoàn toàn.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 vừa tiếp tục kế thừa,
luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Doanh
nghiệp năm 2005, nhưng đồng thời đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm
tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật cũ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư,
kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có một số
đổi mới cơ bản, cụ thể như sau:
Một là, tư duy mở khi luật chỉ quy định những
vấn đề chung nhất, mang tính định hướng, (thậm chí có nhiều điểm là gợi mở) về
thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của
doanh nghiệp, về chi tiết thì nhường lại cho doanh nghiệp tự do, tự nguyện, cam
kết, thoả thuận theo các quy định của Pháp luật. Thay đổi này vô cùng quan trọng,
từ đó doanh nghiệp chủ động, sáng tạo hơn khi được tự lựa chọn các mô hình,
phương thức .v.v. phù hợp với hoạt động của mình.
Ví dụ như: Cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn,
công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; cho
phép công ty cổ phần có thể chọn một trong hai mô hình tổ chức, quản lý; Cho
phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn phiếu khi bầu thành viên Hội
đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần .v.v.
Luật mới bỏ chương quản lý nhà nước đối với
doanh nghiệp, thay bằng một vài điều khoản tại chương tổ chức thực hiện cũng
theo tư duy như vậy, nghĩa là các cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo chức
năng, nhiệm vụ quyền hạn đã được pháp luật chuyên ngành quy định, do đó không
phải và không cần ghi điều đó vào Luật Doanh nghiệp!
Hai là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ
thông tin như việc luật hóa Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hay
bằng việc quy định cuộc họp được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu
giữ dưới hình thức điện tử khác đã có bước tiến bộ vượt bậc so với quy định cũ
là chỉ ghi vào sổ biên bản.
Luật cũng thống nhất cách hiểu về nhiều điểm
mà từ trước tới nay gây nhiều tranh cãi như việc chốt lại địa điểm họp được xác
định là nơi chủ tọa tham dự họp, mọi người không nhất thiết phải cùng ngồi họp
một chỗ.
Ba là, luật hóa việc dùng mã số thuế làm mã số
doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, tăng cường việc
bảo vệ cổ đông nhỏ (cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ
thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty
khởi kiện...).
Bãi bỏ nhiều điều khoản đã được chứng minh là
hiệu quả thực thi rất thấp, như việc đăng ký danh sách cổ đông nắm giữ 5% vốn
điều lệ công ty cổ phần, hoặc bãi bỏ việc gây cản trở cho hoạt động của Doanh
nghiệp như cấm một người đã làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty cổ phần không
được làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) Công ty khác.
Bốn là, Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
(CNĐKDN) chỉ còn 4 nội dung so với 10 nội dung trước đây (bỏ mục ngành nghề
kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập, Chi nhánh, Văn phòng dại diện, Địa điểm
kinh doanh .v.v.)
Trong đó, điểm được nhận được sự quan tâm đặc
biệt là bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy CNĐKDN; bỏ việc xác định vốn
pháp định, chứng chỉ hành nghề .v.v. Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh
doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp, làm
cho doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh thực sự an toàn, đa công năng và
rẻ hơn .v.v.
Năm là, cách tiếp cận mới hoàn toàn về con dấu
doanh nghiệp, mang tính "cách mạng". Doanh nghiệp có quyền quyết định
về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của
pháp luật. Thay vì phải đăng ký với cơ quan Công an như hiện nay, Doanh nghiệp
chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai
trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Có lẽ đây là một trong những
điểm gây nhiều bàn cãi nhất ngay từ khâu soạn thảo và cả khi thông qua, tuy vậy
việc này chắc chắn sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay về
con dấu doanh nghiệp.
Sáu là, cùng với Luật Đầu tư 2014, Luật mới
đã chính thức bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời
là Giấy CNĐKDN. Qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại
Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập
doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Bảy là, quy định các nguyên tắc để xác định,
đăng ký vốn thực của công ty, giải quyết tình trạng vốn không có thực (ảo)
nhưng không thể xử lý được như hiện nay. Trong đó điểm mới nhất là cho phép
Công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ.
Tám là, chính thức thay đổi theo đúng thông lệ
quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật cũ) xuống còn 51%. Khi có số cổ đông
dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết là cuộc họp Đại hội đồng cổ
đông được tiến hành. Đồng thời, Luật quy định về thành viên hội đồng quản trị độc
lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; Bãi bỏ việc Đại hội đồng
cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị.
Chín là, không yêu cầu các công ty cùng loại
mới được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đồng thời quy định rõ ràng về quyền lợi,
nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục, hồ sơ .v.v. Đổi mới hết sức
quan trọng này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp
(M&A) đang hết sức sôi động như hiện nay.
Mười là, chỉ quy định 5 trường hợp bị thu hồi
Giấy CNĐKDN so với 8 trường hợp của Luật cũ. Đồng thời Luật mới cũng có các quy
định nhằm giúp doanh nghiệp rút khỏi thị trường thuận lợi hơn, nhanh hơn và rẻ
hơn.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội
thông qua là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới rất trọng yếu liên quan
đến doanh nghiệp, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đại đa số doanh nghiệp.
Để các quy định đổi mới của Luật sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ, các bộ, ngành
và các địa phương, doanh nghiệp sẽ khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng các
văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện, góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam
phát triển mạnh mẽ và bền vững ./.
Lê Xuân Hiền
Trưởng phòng ĐKKD - Sở KH&ĐT tỉnh Hải
Dương
Không có nhận xét nào