Những hiểu lầm về nghề luật sư
Trong quá trình gặp gỡ,
tiếp xúc với các khách hàng, với các thân chủ tôi nhận thấy rằng nhiều người đã
hiểu lầm về nghề luật sư. Trong phạm vi bài viết này tôi xin sơ lược một vài hiểu
lầm về nghề luật sư như sau:
Hiểu
lầm thứ nhất: Nghề luật sư là nghề nói nhiều
Trong thực tế, khi tiếp
xúc với rất nhiều khác hàng cho rằng người luật sư là người nói nhiều. Có những
khách hàng cho rằng khi nhắc đến luật sư thì trong đầu họ mường tượng ra hình ảnh
người luật sư gân cổ lên tranh cãi. Có người thì lại cho rằng luật sư mà không
nói nhiều thì không thắng được. Vì thế hình tượng người luật sư vô tình ám vào
đầu họ đó là một người nói nhiều. Đây chỉ là nhận định cảm tính, còn thực tiễn
thì hoàn toàn khác.
Luật sư |
Thực tiễn cho thấy việc
nói nhiều hay nói ít là do tính cách của mỗi người. Đối với người luật sư thì
cũng vậy, có người thích nói nhiều còn có người lại ít nói và chăm chú lắng
nghe. Nhưng nhìn chung thì luật sư thường là ít nói. Khi đã nói thì rõ ràng và
có kèm theo dẫn chứng. Đây là một điều đặc trưng của nghề luật sư. Và lâu ngày
nó cũng là thói quen của nhiều người luật sư. Tại sao lại như vậy?
Vì khi tiếp xúc gặp gỡ
với khách hàng, với thân chủ thì việc đầu tiên luật sư cần làm đó là nhanh chóng
nắm bắt nội dung sự việc và yêu cầu của khách hàng. Muốn làm được điều này thì
luật sư sẽ đưa ra câu hỏi. Với câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn để khách hàng kể lại nội
dung sự việc cho luật sư nghe. Lúc này luật sư trở thành người ngồi nghe và nắm
bắt nội dung. Những tình tiết nào chưa rõ, thì luật sư hỏi câu hỏi bổ sung và
tiếp tục ngồi nghe khách hàng trình bày. Khi nắm bắt được nội dung rồi thì thường
các luật sư sẽ giải đáp các vấn đề một cách sơ lược nhất. Mà đã giải thích sơ
lược thì đâu cần phải nói nhiều, do đó luật sư lúc này cũng nói rất ít. Để xây
dựng được một phương hướng giải quyết một vụ án thì luật sư cần phải có thời
gian để suy xét tổng quan mọi vấn đề. Từ đó tập trung vào vấn đề cốt lõi của sự
việc. Vì vậy không thể mới nghe nội dung vụ việc mà luật sư phán ngay kết quả được. Càng không thể mới nghe nội dung mà giải thích dài dòng về vấn đề đó cho khách hàng.
Tuy nhiên người dân,
khách hàng, thân chủ thì không hiểu được những điều trên mà cứ nghĩ trong đầu rằng
luật sư là người nói nhiều, cãi nhiều.
Xin nhắc lại: Luật sư
chỉ nói khi có chứng cứ, chỉ nói khi thấy cần thiết.
Hiểu
lầm thứ hai: Người luật sư là người dữ dằn, hung tợn.
Như đã trình bày ở phần
trên khi nhắc đến luật sư là người dân, khách hàng, thân chủ nghĩ ngay đến việc
tranh cãi, nghĩ ngay đến một người đang xắn tay áo lên gào thét để giành phần
thắng. Do đó rất nhiều người thường nghĩ luật sư là người hung tợn, dữ dằn. Thậm
chí nhiều người dân, thân chủ đã tìm những luật sư có tướng mạo dữ dằn để nhờ
làm việc, nhờ tư vấn.
Việc người dân, khách
hàng, thân chủ dùng cái cảm tính chỉ nhìn hình thức bề ngoài mà đánh giá một luật
sư là điều sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ luật sư là người có kiến thức về pháp
lý. Do đó khi tranh cãi thì luật sư cũng tranh cãi dựa trên kiến thức về khoa học
pháp lý. Việc tranh cãi bằng khoa học pháp lý khác hoàn toàn với kiểu tranh cãi ngoài đường, ngoài chợ. Việc tranh cãi thắng thua của luật sư là hoàn toàn phụ
thuộc vào chứng cứ, vào tình tiết vụ án, chứ không phải là ai khỏe thì người ấy
thắng. Tại phiên tòa, việc tranh luận của các luật sư có sự chứng kiến của Thẩm
phán, Kiểm sát viên và nhiều người khác nên luật sư nào có nhiều chứng cứ, vận
dụng được nhiều kiến thức pháp lý thuyết phục được Hội đồng xét xử thì dành phần
thắng.
Thực tiễn rất nhiều người
dân cho rằng khi tranh cãi thì ai to mồm, ai nói nhiều, ai khỏe thì thắng. Đây
là lối suy nghĩ sai lầm của rất nhiều người dân, khách hàng, thân chủ khi tiếp
xúc và đánh giá luật sư.
Hiểu
lầm thứ ba: Nghề luật sư là nghề nhàn hạ
Thực tiễn rất nhiều người
cho rằng nghề luật sư là nghề nhà hạ, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng sự thực thì
hoàn khác xa.
Trước hết hãy xét về
quá trình học hành gian nan để có đủ điều kiện hành nghề luật sư như sau: Đầu tiên phải hoàn
thành 4 năm đại học chuyên ngành luật. Trong 04 năm này phải học hành nghiêm
túc. Ở đây tôi không so sánh sự vất vả với các ngành khác. Tuy nhiên cần biết rằng
để có lượng kiến thức mà đi các bước tiếp theo thì sinh viên luật phải đọc rất
nhiều các luật, văn bản dưới luật. Số lượng các loại văn bản này nhiều không đếm
nổi. Đặc biệt là các văn bản dưới luật thì thường thay đổi. Do vậy đòi hỏi
trong thời gian học các sinh viên luật thường xuyên phải cập nhật mới.
Tiếp đến là học thêm về
nghiệp vụ luật sư. Tổng thời gian học và hành là 02 năm. Trong đó 01 năm học
còn 01 năm tập sự. Trong thời gian học nghiệp vụ luật sư này, học viên chủ yếu
học về kỹ năng làm việc, ký năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng xử lý tình huống chứ
không học về luật. Vì hệ thống các luật đã học ở thời đại học rồi. Thời kỳ này
cũng rất vất vả. Đòi hỏi phải tự nỗ lực bản thân.
Đến thời kỳ đi tập sự luật sư thì sẽ gặp khó khăn gấp nhiều lần nữa. Bởi vì với tâm lý là người đi tập
sự do đó khi bạn đến các văn phòng luật sư xin tập sự sẽ thường bị soi xét, bắt
bẻ đủ thứ chuyện. Nếu bạn thể hiện bạn giỏi cũng bị người ta ghét, thể hiện bạn
khờ dại cũng bị người ta chê. Thời kỳ này rất khó để làm vừa lòng các luật sư đi trước. Ngoài ra chi phí cho thời kỳ tập sự luật sư rất tốn kém. Như vậy về
thời gian nếu suôn sẽ thì mất 06 năm mới có được chứng chỉ hành nghề luật sư và
thẻ luật sư. Chi phí cho 06 năm này thì vô cùng lớn.
Khi hành nghề luật sư
thực sự còn gặp muôn vàn khó khăn khác nữa. Đối với những hồ sơ vụ án có khi phải đi lại rất nhiều
nơi, nhiều lần để tìm hiểu các tình tiết, các chứng cứ. Thậm chí để bảo vệ cho
một người, luật sư phải chống lại rất nhiều người. Mà nhiều người đó sẵn sàng làm mọi chuyện nguy hiểm cho bản thân luật sư. Đây là một yếu tố vô cùng
nguy hiểm.
Tiếp nữa là nghề luật
sư ở Việt Nam hiện tại chưa có nhiều điều kiện để phát triển. Điều này là yếu tố
khách quan, vì với tâm lý ngại kiện tụng phiền phức của người dân Việt Nam. Với
tâm lý dĩ hòa vi quý, tránh kiện tụng phiền phức nên chính là lực cản để khó
phát triển nghề luật sư. Ngoài ra một bộ phận không nhỏ người dân khi gặp vấn đề
pháp lý khó khăn thì hướng giải quyết là chạy chổ này, chạy chổ kia, chứ không
tìm đến luật sư. Có nhiều trường hợp “chạy chọt” còn tốn kém hơn nhiều so với
chi phí thuê luật sư, nhưng họ vẫn chấp nhận “chạy chọt”. Vì những lý do đó,
nên nghề luật hiện tại thì khó khăn chứ không như mọi người nghĩ.
Hiểu lầm thứ tư: Cách tính mức phí thuê Luật sư
Hiện nay rất nhiều người có suy nghĩ rằng khi thuê Luật sư thì “cải thắng mới lấy tiền” hoặc là “làm xong việc mới lấy tiền”.
Xin thưa rằng:
Nghề Luật sư là nghề dịch vụ về pháp lý, nghề đụng chạm đến nền tư pháp của một đất nước. Luật sư hành nghề bằng kiến thức chuyên môn, lao động bằng chất xám. Vì vậy chi phí thuê Luật sư là giá trị ngày công lao động nghiên cứu hồ sơ tìm cách giúp thân chủ, trong bối cảnh thân chủ không hiểu biết pháp luật thì Luật sư đang làm thay thân chủ.
Chuyện thắng thua trong vụ án còn phụ thuộc vào các chứng cứ và rất nhiều yếu tố khác. Vì vậy chi phí thuê Luật sư được tính theo hai mức:
Mức một là chi phí cứng: bao gồm tiền công tác phí, tiền lệ phí, tiền ngày công lao động, tiền nghiên cứu hồ sơ, tiền tư vấn, tiền soạn thảo các loại văn bản đơn thư …
Mức hai là tiền thưởng thêm (nếu thắng hoặc làm tốt)
Như vậy nếu vụ án bị thua thì thân chủ vẫn phải chi trả tiền theo mức một. Vì đó là những chi phí cố định để làm việc hàng ngày.
Ví dụ 01: cho dễ hiểu nhé:
Bạn bị bệnh nặng phải vào viện để khám chữa bệnh. Trường hợp Bác sĩ bó tay không chữa được thì bạn vẫn phải chi trả tiền viện phí, tiền xét nghiệm, tiền vật tư y tế…
Cuối cùng Bác sĩ nói “chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bó tay”…thì bạn vẫn phải chịu tất cả các chi phí khám chữa bệnh.
Ví dụ 02: một ông Huấn luyện viên bóng đá mà huấn luyện đội bóng đá liên tục thua thì CLB đó vẫn phải trả lương cho ông HLV … Trường hợp CLB bóng đá thấy ông HLV không phù hợp thì chấm dứt hợp đồng mà vẫn phải trả lương và bồi thường hợp đồng lao động.
Nghề Luật sư cũng vậy, khi tiếp cận hồ sơ. Các Luật sư cũng sẽ bỏ rất nhiều công sức để xem xét, nghiên cứu hồ sơ, liên hệ với các cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức khác để xác minh và làm việc. Vì vậy thời gian nghiên cứu hồ sơ, thời gian liên hệ với các cơ quan, cá nhân, chi phí đi lại, giao tiếp…đều tính vào chi phí mà các thân chủ phải trả cho Luật sư, như ví dụ về việc khám chữa bệnh đã nói ở trên.
Nghề Luật sư là nghề dịch vụ đặc biệt, lao động bằng chuyên môn, tư duy và chất xám … trên thế giới người ta bỏ ra nhiều chi phí để thuê Luật sư là thuê chuyên môn chất xám của Luật sư, góp sức tham mưu cho các thân chủ.
Vì vậy hãy hiểu đúng vai trò của Luật sư để bạn thấy rằng mọi chi phí là hợp lý. Cuộc sống không ai bỏ công sức, bỏ thời gian làm không cho người khác.
Dưới đây là các quy định của pháp luật về cách tính thù lao của Luật sư:
Căn cứ và phương thức tính thù lao của luật sư gồm:
- Quy định tại các Điều 55, Điều 56, Điều 57 Luật Luật sư 2006.
- Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP
- Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP
Trên đây tôi vừa nêu
lên một số hiểu lầm về nghề luật sư. Với những nội dung trên, mong rằng sẽ giúp
mọi người thấu hiểu về nghề luật sư nhiều hơn.
# Leo Robotly
Không có nhận xét nào